Thành công của Hàn Quốc: Giáo dục và Vai trò của nhà nước
Nếu hơn 40 năm trước, kinh tế Hàn Quốc bị tàn phá nặng nề sau thời kỳ bị xâm chiếm và chiến tranh, tài nguyên không có gì đặc biệt, nguồn vốn quốc nội hết sức nghèo nàn, thu nhập quốc dân tính theo đầu người (GNP) những năm đầu thập niên 60 của Hàn Quốc chỉ là 80USD, GDP chỉ đứng ngang với các nước nghèo ở Châu Phi và Châu Á, thì đến giờ, GDP Hàn Quốc đứng trong nhóm 20 nước có GDP hàng đầu thế giới. Phải chăng giáo dục và vai trò quản lý của nhà nước là động lực chính đưa tới sự phát triển vượt bậc của Hàn Quốc trong thời gian qua?
Ước tính GDP của Hàn Quốc sẽ đạt trên 1.300 tỉ USD, đứng thứ 14 trên thế giới trong năm 2014. Nguồn: statista.com
Từ một nước nhận viện trợ trở thành một nước viện trợ
Vào những năm 1950, Hàn Quốc là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới, Hàn Quốc của ngày hôm nay đã gia nhập các nước phát triển. Từ một quốc gia nhận viện trợ, năm 2012, vốn viện trợ phát triển chính thức ODA của Hàn Quốc là 500 triệu USD, con số này dự kiến sẽ tiếp tục được tăng lên vào mỗi năm.
Thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc vào năm 1963 là 100 USD, năm 1977 là 1.000 USD, năm 1995 là 10.000 USD và đến năm 2007 đã tăng mạnh lên con số 20.000 USD. Trên thế giới không một quốc gia nào đạt được thành tích như vậy. Bất chấp khủng hoảng kinh tế thế giới trong năm qua, kim ngạch thương mại của Hàn Quốc vẫn đột phá mục tiêu 1.000 tỷ USD và vươn lên đứng thứ 9 thế giới về quy mô thương mại. Quy mô kim ngạch xuất khẩu cũng đứng thứ 7 trên thế giới (dựa trên 5 tiêu chí: Giáo dục, Sức khỏe, Chất lượng cuộc sống, Sự năng động của nền kinh tế và Sự ổn định chính trị) do Tờ Newsweek của Mỹ bình chọn.
Yếu tố nào đưa tới thành công của Hàn Quốc?
Có rất nhiều yếu tố thành công để giúp Hàn Quốc tăng trưởng một cách ngoạn mục. Đó chính là nhờ năng lực lãnh đạo tài tình của bộ máy chính quyền nhà nước, chính sách quốc gia hợp thời cơ, chính sách ngoại giao thực tiễn, thúc đẩy tinh thần doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sáng tạo và nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách mở cửa quả cảm và toàn cầu hóa, tính cần mẫn và trung thành của người dân, nhiệt huyết giáo dục cao nhất thế giới, tham vọng đáp ứng mục tiêu của cá nhân và cạnh tranh tự do, khả năng tiếp thu nhanh chóng văn minh và xu hướng mới của thế giới, dám đương đầu thử thách… Trong số rất nhiều nhân tố kể trên, thì hai nhân tố quan trọng đó là giáo dục và vai trò của nhà nước.
Giáo dục ở Hàn Quốc
Thực tế ở Hàn Quốc, giáo dục thay đổi số phận của cá nhân, số phận của gia đình, số phận của doanh nghiệp và số phận của quốc gia. Giáo dục quyết định tính sản xuất, năng lực cạnh tranh, luân lý và chất lượng cuộc sống. Hàn Quốc là một ví dụ điển hình chứng minh số phận thay đổi thông qua giáo dục.
Tổng thống Mỹ Barrack Obama đã từng phát biểu công khai “Một đất nước từng nghèo hơn cả Kenya – quê hương của ông tôi là Hàn Quốc thời nay đang gia nhập các nước phát triển. Lý do chính là nhờ nhiệt huyết giáo dục cháy bỏng của Hàn Quốc”.
Từ cách đây 1.200 năm, Hàn Quốc đã có văn hóa trọng thị giáo dục như tuyển chọn quan lại thông qua thi tuyển cạnh tranh. “Biết nhiều là sức mạnh. Phải học thì mới sống được”, đó là tiêu ngữ chung của toàn thể người dân Hàn Quốc thời kỳ bị Nhật chiếm đóng. Sau khi giải phóng và tuyên bố độc lập vào năm 1945, Hàn Quốc đã có nhiều thay đổi mới, trở thành “quốc gia học tập”, “tổ chức học tập”. Rất nhiều trường đại học được thành lập và người dân dù phải bán cả đất đai và gia súc cũng phải lo cho con em mình được đến trường. Dù có phải giảm bớt tiển ăn, tiền mặc, người Hàn Quốc cũng không tiếc chi tiêu cho tiền học phí.
% trên GDP chi tiêu công cho giáo dục của Hàn Quốc so với các nước Đông Á và Thái Bình Dương. Nguồn: Ngân hàng Thế giới
Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc Lee Sung Man, nguyên là một nhà giáo dục xuất thân là tiến sĩ chuyên ngành triết học tại Đại học Princeton của Mỹ, trong thời kỳ chiến tranh liên Triều, ông vẫn hết lòng vì giáo dục. Tổng thống Park Jung Hee đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm và từng làm giáo viên, Ông mang trong mình tính cách của một người lính và của một nhà giáo dục. Đây có lẽ là điều quyết định sự khác biệt giữa Park Jung Hee và những nhà lãnh đạo xuất thân từ quân đội. Phong trào “Xây dựng làng mới” là phong trào giáo dục thay đổi ý thức của người dân và giáo dục cải thiện cuộc sống của người dân, nhờ có nguồn nhân lực được đào tạo nên mục tiêu công nghiệp hóa cũng đã thành công.
Vào thời Tổng thống Kim Dae Jung, cuộc cách mạng giáo dục một lần nữa đã nổ ra. “Công nghiệp hóa dù muộn thì thông tin hóa vẫn phải đi trước một bước”, đây chính là “tầm nhìn” cho toàn dân Hàn Quốc lúc đó. Chính phủ đã hỗ trợ về mặt chính sách những hoạt động như “Phong trào văn hóa thông tin”, “Giáo dục thông tin hóa”… và hỗ trợ cho rất nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin khởi nghiệp. Đây chính là nền tảng thúc đẩy Hàn Quốc vươn lên trở thành cường quốc về công nghệ thông tin trên thế giới và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đi trước một bước đã dẫn dắt sự phát triển và năng lực cạnh tranh quốc gia của Hàn Quốc.
Ngày nay, tỉ lệ đỗ đại học của học sinh cấp 3 tại Hàn Quốc là 85%, là tỉ lệ cao nhất thế giới và giáo dục trọn đời của Hàn Quốc cũng đạt tiêu chuẩn cao nhất thế giới. Số du học sinh Hàn Quốc tại Mỹ cũng đứng thứ 3, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Trong tương lai, hệ thống giáo dục của Hàn Quốc sẽ được phát triển theo hình thức học tập thông minh, giúp cho ai cũng có thể thoải mái học vào bất kỳ thời gian nào, tại bất cứ đâu trong môi trường kỹ thuật số.
Chính phủ Hàn Quốc rất đề cao vị trí đặc biệt của giáo dục đối với cả kinh tế lẫn xã hội. Tự bản thân sự phát triển kinh tế đã là một quá trình học hỏi không ngừng. Ai không quý trọng giá trị của giáo dục, của sự học hỏi sẽ khó mà được thụ hưởng thành quả của sự phát triển kinh tế.
% chi tiêu công/chi tiêu của chính phủ ở Hàn Quốc so với bình quân các nước ở Đông Á và Thái Bình Dương cho giáo dục qua các năm. Nguồn: Ngân hàng Thế giới
Chi phí cho giáo dục của Hàn Quốc không cao hơn các nước công nghiệp phát triển nhưng biết tập trung vào giáo dục phổ thông để đào tạo ra đội ngũ nhân lực lành nghề nhằm phục vụ tốt cho công nghiệp hóa. Ngân sách Chính phủ chi cho giáo dục ngày một tăng. Đặc biệt, chi phí dành cho nông thôn cao hơn so với thành thị để đáp ứng nhu cầu đổi mới nông thôn. Chính phủ cũng quy định mọi công dân phải qua phổ cập trung học (do nhà nước đài thọ). Chính phủ cũng có những chính sách nhằm thu hút nhân tài vào làm cho ngành sư phạm.
Với một chính sách như trên, theo số liệu thống kê chính thức, năm 2010, Hàn Quốc có 3,2 triệu sinh viên đại học và 316 ngàn sinh viên sau đại học. Các đại học Hàn Quốc đã bắt đầu tạo được uy danh trên trường quốc tế.
Phát triển đại học dẫn đến phát triển khoa học và công nghệ. Hiện nay số nhà nghiên cứu toàn thời gian (full-time) của Hàn Quốc là 236 ngàn người. Con số này còn cao hơn Pháp (211 ngàn), Anh (175 ngàn), nhưng thấp hơn Đức (284 ngàn).
Hàn Quốc cũng đã có một số trung tâm nghiên cứu lớn và có uy tín cao. Viện nghiên cứu tiên tiến của Hàn Quốc (KAIST), một mô hình mà Nhật Bản đã mô phỏng để tạo nên viện JAIST, là một trung tâm nghiên cứu có tên tuổi trên thế giới.
Năm 1990, tổng số bài báo khoa học từ Hàn Quốc trên các tập san khoa học quốc tế chỉ 1.382 bài (tức xấp xỉ con số của Việt Nam hiện nay). Vậy mà đến năm 2008, con số này đã là 26.690 bài, tức tăng 20 lần trong vòng chưa đầy 20 năm! Số bằng sáng chế đăng ký ở nước ngoài (chủ yếu là Mỹ, châu Âu và Nhật) tăng từ 1.382 năm 2002 lên 3.158 vào năm 2005. Số bằng sáng chế đăng kí trong nước tăng từ 45.298 năm 2002 lên 123.705 vào năm 2007.
Đầu năm 2014, Hàn Quốc đã lọt vào là nước thứ 6 trong bản công danh sách 10 quốc gia trên thế giới có cư dân học thức nhất trên thế giới của OECD với tỷ lệ dân số có bằng cấp đại học là 39% và GDP mỗi đầu người ở mức 29.101 USD.
Cố nhiên, phát triển giáo dục và khoa học, và tăng trưởng kinh tế tương tác lẫn nhau. Tăng trưởng kinh tế tạo ra thị trường lao động cho sinh viên đại học và cao đẳng, và cung cấp tiền cho Nhà nước đầu tư vào giáo dục đại học. Giáo dục đại học cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế.
Nhưng vòng tròn phát triển giáo dục – kinh tế – giáo dục này sẽ không thể nào có được nếu không được sự lãnh đạo sáng suốt của chính phủ nước này.
Vai trò của Nhà nước trong quản lý kinh tế
Chính phủ Hàn Quốc đã xác định được các mục tiêu dài hạn, ngắn hạn phù hợp với từng yêu cầu của từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế đất nước. Mặc dù tài nguyên tài nguyên hạn chế nhưng chính phủ nhận thấy tiềm năng từ việc nhập nguyên liệu rẻ, hàng thành phẩm có thể mua với giá hạ và tận dụng nguồn lao động dồi dào của mình cùng với sự cần cù, khéo tay của người Hàn Quốc nên đã phát triển công nghiệp gia công, lắp ráp. Thị trường trong nước nhỏ nhưng lợi dụng chính sách mậu dịch tự do quốc tế, dựa vào những điều kiện tốt của mình để cạnh tranh xuất khẩu. Từ đó hình thành đường lối thu hút vốn, nhập kỹ thuật, thiết bị, nguyên liệu, hàng sơ chế, tiến hành gia công, rắp ráp lại, bán ra nước ngoài. Đó chính là con đường gia công xuất khẩu, đồng thời mở cửa vay, kêu gọi vốn, tạo cho mình sức mạnh đã kéo theo cả quá trình phát triển kinh tế.
Ngay từ giữa những năm 60, chính phủ Hàn quốc đã hoạch định chiến lược kinh tế hướng tới xuất khẩu bằng việc đặc biệt ưu tiên đầu tư vốn vay cho các công ty xuất khẩu thông qua chính sách lãi suất âm khi vay vốn ngân hàng. Điều này tác động lớn tới các doanh nghiệp tham gia vào ngành công nghiệp hóa chất, phục vụ xuất khẩu và làm nền kinh tế Hàn Quốc phát triển mang tính bền vững.
Lãi suất âm chỉ là một phần của chính sách hệ thống huy động tích cực cho ngành công nghiệp nặng hóa chất thời kỳ đó, các chính sách cởi mở trong việc vay nợ nước ngoài, huy động ngân hàng quốc doanh, ngân hàng thương mại, bảo lãnh vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp, huy động vốn đầu tư của người dân và đứng ra hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp của chính phủ cũng tạo điều kiện mạnh mẽ cho doanh nghiệp phát triển.
Chính phủ Hàn Quốc cũng thực hiện chính sách cổ phần hóa toàn dân, tạo điều kiện cho mọi người dân đều có quyền mua cổ phiếu, vừa huy động được vốn vừa tránh tập trung một lượng lớn vốn vào một nhóm lợi ích nhất định. Tập trung xây dựng các doanh nghiệp nhà nước trong giaì đoạn đầu phát triển để tỏ rõ vai trò trong việc thực hiện các chính sách tích lũy tư bản cho quá trình công nghiệp hóa của chính phủ Hàn Quốc. Đồng thời, chính phủ cũng quan tâm, ưu ái đặc biệt cho các Chaebol cũng như không bỏ qua các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua các chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính và ngoại thương. Thị trường nội địa cũng được chính phủ Hàn Quốc quan tâm thông qua việc thực hiện chiến lược công nghiệp hóa hỗn hợp, kết hợp giữa chiến lược công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu với công nghiệp hóa về xuất khẩu. Điều này cho thấy chính phủ Hàn Quốc đã rất linh động trong việc chỉ đạo và thực hiện các kế hoạch.
Thị trường nông thôn cũng được chú trọng phát triển, cụ thể là, vào những năm 60, Hàn Quốc đã chuyển một số xí nghiệp từ những thành phố lớn về nông thôn để giảm áp lực quá tải lên các đô thị. Sau đó Hàn Quốc đã đề ra chiến lược phát triển nông nghiệp và công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn; trong đó phải kể đến chương trình phát triển các xí nghiệp cộng đồng mới (Saemaul undong).
Nhiều hãng xe hơi nước ngoài phải”kiêng nể” các hãng xe của Hàn Quốc
Ai muốn tìm hiểu bí mật của sự thần kỳ kinh tế Hàn Quốc không thể bỏ qua Chaebols. Chaebols là một sự tập hợp khổng lồ các doanh nghiệp và là cốt lõi của nền kinh tế nước này. Khái niệm này hình thành từ hai từ trong tiếng Triều Tiên đó là chae và pol, cả hai từ đều khó dịch – chae có nghĩa là sở hữu, tài sản hoặc sự giàu có; pol có nghĩa là gia đình, họ tộc, nhưng cũng có nghĩa là nhóm lợi ích, phe nhóm.
Chaebols là những gã khổng lồ, mà người khổng lồ lớn nhất là Samsung, kế đó là các tập đoàn đối thủ ngang ngửa như Hyundai và LG. Điều gắn bó Chaebols với nhau là một mớ liên kết huyền ảo với những mối liên hệ chính thức và không chính thức, thường liên quan đến các dòng họ. Hoạt động của các Chaebols không phụ thuộc vào lĩnh vực ngân hàng. Lĩnh vực ngân hàng là điều cấm kỵ đối với các Chaebols, mặt khác ngay cả các ngân hàng lớn nhất của Hàn Quốc vẫn là quá nhỏ để có thể cấp tín dụng cho các Chaebols. Các tập đoàn phải tìm nhà đầu tư trên thị trường vốn và nhận được sự hỗ trợ khá lớn của nhà nước.
Samsung là một dạng Chaebols mẫu mực. Mới đây tập đoàn này, theo yêu cầu của nhà nước, đã có thêm một trụ cột nữa là lĩnh vực hóa sinh. Đồng thời nhà nước cũng dành một khoản tiền lớn cho Samsung phục vụ nghiên cứu và phát triển cũng như xây dựng cơ sở sản xuất.
Không dừng lại ở đó, chính phủ Hàn Quốc tìm mọi cách cách đề ra các chính sách che chắn cho thị trường nội địa thông qua các rào chắn thương mại để giảm các thiệt hại cho doanh nghiệp bởi các hiệp định thương mại tự do. Nhà nước chi trả cho các cuộc điều tra, nghiên cứu thị trường ở nước ngoài vì lợi ích của các tập đoàn Hàn Quốc và có cả một tổ chức chuyên xúc tiến và quảng bá thương mại. Hàn Quốc hiện đã đứng ở vị trí hàng đầu thế giới về sản xuất điện thoại thông minh, ô tô, bộ vi xử lý máy tính, màn hình LCD, tivi – và luôn có sự thúc đẩy hỗ trợ của nhà nước. Nhà nước là người quyết định hỗ trợ ngành nào, mảng nào, cho đến khi các lĩnh vực đó phát triển tới đỉnh cao nhất.
Sự đan xen, kết nối chặt chẽ giữa nhà nước và giới kinh tế là điều được hoan nghênh. Rüdiger Frank, giáo sư về kinh tế và xã hội Đông Á thuộc Đại học Vienna, nhiều năm nghiên cứu về Hàn Quốc và là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Hàn Quốc nói: “Chính quyền trung ương cảm thấy phải gánh mọi trách nhiệm, và điều này lại phù hợp với kỳ vọng của người dân. Không ai nghi ngờ mô hình này bởi cho đến nay mô hình này có vẻ trôi chảy.”. Cho dù có những vấn đề về nhân quyền, riêng về kinh tế, chính phủ đã có những quyết định đúng đắn và đó chính là câu trả lời về sự thăng tiến mạnh mẽ của kinh tế Hàn Quốc. Ngày nay Hàn Quốc đang rượt đuổi các quốc gia phát triển mà biểu tượng là Hyundai đã trở thành một trong năm tập đoàn sản xuất ô tô hàng đầu thế giới.
Đất nước Hàn Quốc nghèo tài nguyên nên con người cần cù, chịu khó và chăm chỉ trong lao động; biết tận dụng các nguồn lực nội tại và tiết kiệm để phát triển kinh tế, Người Hàn Quốc có lối sống và làm việc nhanh nhẹn, gấp gáp. Điều này có ảnh hưởng tích cực là những công trình của Hàn Quốc nói riêng và các kế hoạch 5 năm, 10 năm nói chung, người Hàn đều hoàn thành trước thời hạn. Và từ khi chuyển mình vào giai đoạn “phát triển thần kỳ”, Hàn Quốc từ một quốc gia nghèo đói, phụ thuộc đã vươn mình đứng dậy trở thành một đất nước phát triển trên mọi mặt.
( NguồnPhạm Phươn)